Tại sao tôi công bố ghi chú của tôi lên Internet?

Đây là kho ghi chú của tôi trên Internet. Các ghi chú này tôi đã triển khai và lưu qua ứng dụng Obsidian. Và tôi chỉ công bố các ghi chú công cộng hoặc ghi chú riêng tư cho một cá nhân nào đó, chiếm đa số toàn bộ các ghi chú của tôi. Nhưng tại sao tôi làm thế?

Nhiều người sẽ cảm thấy khó hiểu là, ghi chú là một sự phản ánh rất riêng tư của cá nhân về một vấn đề nào đó, nhưng tôi lại công bố chúng trên Internet để làm gì? Hay vài người lại tự hỏi, tôi tự đánh bóng bản thân qua các ghi chú hay sao mà lại làm thế, mà vào kho ghi chú này cảm thấy lộn xộn quá, khó theo dõi… Dị thật! Chả ai làm giống mày.

Vậy thì hãy ngồi xuống, “uống miếng bánh, ăn miếng nước”, để tôi từ từ giải thích cho bạn, hành vi này của tôi có ích lợi gì với tôi và với người xem các ghi chú này.

Sơ khởi

Tôi, xuất phát điểm là một cậu trai làm kỹ sư phát triển phần mềm (developer), một tín đồ nhiệt thành của mã nguồn mở. Với niềm khao khát mãnh liệt với tri thức của nhân loại, tôi đã đọc ngấu nghiến hết cuốn sách này tới cuốn sách khác, hay đủ loại thông tin trên Internet. Tôi lao vào các website, blog, đặc biệt hay tìm hiểu các website sau:

  • Github (https://github.com): Chắc các bạn làm phần mềm đã quá quen với trang này. Hằng hà sa số mã nguồn các thư viện, framework… trên đời đã xuất hiện tại đây. Tôi trưởng thành, có việc làm, kiếm tiền… cũng phần nhiều nhờ học được rất nhiều thông tin trên trang web này
  • Wikipedia (https://wikipedia.com): Giờ chắc cũng không còn ai xa lạ với bách khoa toàn thư mở trực tuyến này. Thông tin trên đó có thể không xác thực đầy đủ, nhưng là một nguồn tham khảo vô tận về tri thức con người (nhưng để làm dẫn chứng xác thực thông tin thì không nhé bạn hiền)

Việc nhớ các thông tin trên, từ sách báo, bài viết trên Internet, mã nguồn, công cụ, phương pháp luận… với tôi hồi còn tuổi chớm đôi mươi là cực kỳ dễ dàng. Tôi có thể kể vanh vách cho bạn nghe về lịch sử nước Việt Nam, trả lời được số lượng câu hỏi mấy chương trình Đường lên đỉnh Olympia hay Ai là triệu phú cũng vào loại kha khá. Luôn luôn ở trong top đầu, mỗi khi thi kiến thức hay mấy cuộc thi code gì đó, cho đến khi…

Tiền căn hậu quả

Đi làm, lượng thông tin tôi thu nạp ngày càng nhiều: danh sách công việc, vấn đề gặp phải, cách giải pháp, các thông tin tham chiều. Bên cạnh đó, tính chất nghề nghiệp không tránh khỏi những đêm thức khuya. Mà trí nhớ tôi không phải ngoại lệ, cũng có giới hạn của nó.

Sự việc càng trầm trọng hơn, khi hiệu suất của tôi giảm đáng kể kể từ khi tôi bị thiểu năng tuần hoàn não. Những sự đánh đổi về sức khỏe đã làm tôi phải trả giá. Ngoài việc nâng cao sức khỏe, tôi bắt đầu tìm đến các công cụ trí nhớ để giải quyết vấn đề của mình. Chắc hẳn những anh em nào U40 trở lên, sẽ đồng cảm với tôi ở khía cạnh này. Nhưng tôi đặt câu hỏi, công cụ giải quyết vấn đề như thế nào, tôi bắt đầu tìm kiếm các phương pháp luận, mà tôi học được từ thành ngữ Principles are higher than techniques. Principles produce techniques in an instant.

Và thế là tôi bắt đầu tìm hiểu về PKM, tiến một bước xa hơn từ ghi chú đơn sơ, thành một kho quản lý tri thức. Tuy nhiên, một thời gian dài tôi sử dụng org-mode trên VimNeovim, tôi không thực sự thoải mái với nó, cho đến khi tôi tìm ra chân lý của bộ não mình: Phương pháp Zettelkasten và công cụ tương thích với nó Obsidian, xây dựng cách thức tôi làm việc. Dành cho ai muốn tìm hiểu thêm, bạn có thể đọc Cách mà tôi ghi chú.

Tuyệt vời, trí nhớ tôi được giải phóng, nhưng thông tin vẫn được lưu lại, tổ chức, liên kết chặt chẽ. Đó chính là kết quả của một việc: tôi đã xây dựng bộ não thứ 2 của tôi thành công.

Mục đích

Quay lại câu hỏi của bài blog này, lý do thực sự đằng sau là gì? Tình cờ lướt Internet, tôi đọc được bài viết A Brief History & Ethos of the Digital Garden, biết đến khái niệm Digital Garden - khu vườn kỹ thuật số và nó thực sự cuốn hút tôi. Hiểu đơn giản, nó là một bộ não thứ 2 được công bố công cộng trên Internet, được bổ sung, chỉnh sửa, thêm thắt một cách chậm rãi theo thời gian. Vậy nó có những điểm lợi nào?

Chia sẻ kiến thức

Như đã nói ở bên trên, tôi là tín đồ của Mã nguồn mở. Tôi tôn thờ việc: bạn nhận được từ xã hội, thì bạn nên đóng góp lại cho xã hội. Loài người hiện đại đi lên từ việc tổ chức xã hội. Nhờ có xã hội mới có tri thức, thay vì là vài tín hiệu nơ-ron não của một cá thể. Nhờ có tích lũy tri thức, xã hội con người mới trở nên văn minh hơn, từ một loài sinh vật trốn chui trốn nhủi trong khắp các hang động, trở thành loài đứng đầu chuỗi thức ăn và xả rác khắp hành tinh 😂

Chia sẻ kiến thức mà tôi tích lũy được, cho bất cứ ai mong muốn tìm kiếm sự hướng dẫn, cách làm, nhận lại sự phản hồi để cùng nhau tiến bộ, mới thực sự là động lực giúp tôi làm việc này. Thú thật, tôi rất lười viết blog, trước kia đã từng làm nhưng động lực lúc đó, chỉ để đánh bóng bản thân, dẫn đến khi đạt thành quả, động lực mất đi. Giờ đây, tôi đã có cái nhìn khác hơn và động lực tốt hơn, và chắc là sẽ đi theo tôi suốt cuộc đời còn lại.

Ngoài ra, tôi viết và công bố chúng, cũng là một cách để tôi học tập những gì mà tôi được tiếp thu. Hiểu cái cốt lõi của mọi thứ, luôn là điều tôi ưu tiên.

Liên kết kiến thức

Người xem ghi chú của tôi, thay vì phải lục tìm theo thứ tự thời gian bình thường, thì chỉ cần tìm từ khóa, thậm chí từ khóa còn rất mơ hồ mà có liên quan, là có thể tìm ra được nội dung liên quan. Điều này có được nhờ các liên kết chặt chẽ của kho ghi chú này, biểu đồ ghi chú trực quan, thanh tìm kiếm. Nó đơn giản nhẹ nhàng, tôi không cần phải cân nhắc để xây dựng một cơ sở dữ liệu chỉ để lưu những tri thức của tôi theo dạng Wikipedia. Ngoài ra, wiki cũng có một điểm yếu là không liên kết ngược được các tri thức có liên quan, chỉ có thể truy cập các nội dung được nhắc trực tiếp. Kho ghi chú này không như vậy, bạn hoàn toàn có thể tìm thấy các ghi chú liên quan ở Graph view hay Backlinks ở bên phải (trên máy tính) hoặc bên dưới cùng (trên điện thoại) màn hình.

Học tập tịnh tiến liên tục

Tôi tự gọi cái khái niệm này là học tập tịnh tiến liên tục. Giống như một đứa bé, tôi tìm hiểu mọi thứ xung quanh từ con số 0. Người lớn sẽ cung cấp cho tôi kiến thức về xung quanh, cho tới khi tôi tự học tập, tự đánh giá và nâng cấp tri thức. Hãy tưởng tượng tri thức của tôi là một đường thẳng đi lên trên biểu đồ.

Tri thức mà tôi chia sẻ, ban đầu sẽ là một cái mầm. Qua thời gian sinh trưởng, tích lũy, nó sẽ trở thành cây con, lớn lên đơm lá trổ hoa, thành một cây đại thụ. Mọi người sẽ được ngắm nhìn vẻ đẹp của cái cây, thay vì đợi tôi trở thành một expert (chuyên gia), một đại thụ rồi chia sẻ. Nó sẽ liên tục được cập nhật, đảm bảo kiến thức không bao giờ bị quá hạn. Tất nhiên, kiến thức có thể sẽ chưa hoàn hảo, vì công sức để trồng cây, chăm bón, tổ chức khu vườn sẽ là một thời gian dài. Không ai sinh ra đã biết hết mọi thứ cả 😊

Cá nhân hóa, sở hữu hóa

Mỗi khu vườn sẽ mang dấu ấn của chủ sở hữu nó. Digital Garden cũng thế. Nó mang đặc sắc của riêng tôi, từ nội dung, trình bày… Nó thực sự không phải theo khuôn mẫu của bất kỳ dịch vụ nào, cũng như không phụ thuộc vào điều khoản dịch vụ, trạng thái dịch vụ nào cả. Bù qua sớt lại, việc này sẽ làm mọi người khó tiếp cận hơn. Tuy nhiên tôi có thể giải quyết nó bằng cách khác.

Ngoài ra, nó đại diện cho bộ não của tôi, nên bạn cũng sẽ thấy được tính cách, cách suy nghĩ của tôi. Qua đó, bạn có thể tìm hiểu, đánh giá cũng như nó là một cách gián tiếp mà tôi tự đánh bóng bản thân mình. Biết đâu, nhờ các ghi chú này tôi lại tìm được một công việc phù hợp với tôi, hay tìm thấy những bạn bè có chung sở thích, suy nghĩ, từ đó mở rộng khả năng kết nối của tôi, một chàng trai sống nội tâm và hay khóc thầm 😂

Nó cũng giúp tôi định hình được kiến thức và bổ sung chúng trước thời đại bùng nổ thông tin hiện nay. Các phản hồi sẽ giúp tôi đánh giá lại kiến thức của mình để trở nên khôn ngoan hơn.

Xen canh và đa dạng

Như tôi đã đề cập, đây là một khu vườn. Tôi hoàn toàn có thể xen canh đủ thứ, từ blog, video, ebook, thậm chí là khóa học. Tôi thậm chí đang ấp ủ dự định về một số khóa học, cũng như các video mà tôi sẽ tham chiếu đến ghi chú này, để người theo dõi tôi dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm tri thức.

Bên cạnh đó, tôi có thể thỏa thích đăng lên mọi mặt về cuộc sống này, mọi tri thức đều có thể vào khu vườn của tôi, miễn sao tôi thấy ưng với chúng. Nó giúp tôi hiểu nhiều chiều hơn về một vấn đề nào đó, hiểu vấn đề sâu hơn, thậm chí tìm ra được lỗ hổng trong kiến thức của chính mình.

Kết

Qua vài dòng kể trên, hẳn bạn đã hiểu sơ lược về hành vi của tôi cũng như sự hiện diện của kho ghi chú này của tôi trên Internet. Hoan nghênh mọi người góp ý, bổ sung mọi thứ mà tôi tiếp thu được. Cũng rất hãnh diện, nếu như kho ghi chú của tôi giúp được cho bạn một phần nào đó.

Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng, để gió cuốn đi